Tên trường
-
Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang là đơn vị sự nghiệp công lập, được thành lập vào ngày 21/01/2010 theo Quyết định số 242/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.
a) Tên tiếng Việt: Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang.
b) Tên tiếng Anh: Kien Giang Ethnic Minority Boarding Vocational School
c) Địa chỉ: (i) Trụ sở chính chính: Ấp Xẻo Chác, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; Điện thoại: 3876444; Fax: 0297.3876444.
2. Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang (sau đây gọi tắt là Trường) chịu sự quản lý nhà nước về đào tạo giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang do Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phân cấp quản lý.
Sứ mạng và tầm nhìn
- Sứ mạng: Trường có sứ mạng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, dịch vụ du lịch, kỹ thuật cơ khí, công nghệ thông tin và các ngành, nghề khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép ở trình độ trung cấp, sơ cấp; thực hiện nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế, du lịch, công nghệ thông tin; cung cấp những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
- Tầm nhìn: Trong quá trình hoạt động, Trường luôn định hướng không ngừng phát triển mọi mặt, trở thành đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong các lĩnh vực kinh tế, du lịch; phấn đấu nâng cấp thành trường Cao đẳng, đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống các trường đào tạo nghề ở tỉnh Kiên Giang và là đơn vị chủ lực tại huyện.
Nhiệm vụ
- Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển đơn vị, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa; Quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị và tài chính của trường theo quy định của Pháp luật.
- Tổ chức đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo quy định.
- Tuyển sinh và quản lý người học; phát triển chương trình đào tạo; tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình giảng dạy phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng chương trình đào tạo theo quy định.
- Thực hiện dân chủ, công khai trong việc thực hiện các nhiệm vụ đào tạo; Tổ chức các hoạt động đào tạo; kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và in phôi văn bằng, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trung cấp, chứng chỉ sơ cấp, chứng chỉ đào tạo theo quy định; Thực hiện kiểm định và bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định.
- Nghiên cứu khoa học để phục vụ và nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động tài chính; có cơ chế để người học tham gia đánh giá hoạt động đào tạo, giáo viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý, viên chức và người lao động của nhà trường.
- Thu, chi tài chính, đầu tư phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của Pháp luật; quyết định mức thu giá dịch vụ đào tạo tương ứng với điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo đối với chương trình đào tạo chất lượng cao và các quy định về tự chủ tài chính theo quy định; Sử dụng nguồn thu từ hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của trường, chi cho các hoạt động đào tạo và bổ sung nguồn tài chính của trường theo quy định của Pháp luật.
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự giám sát, thanh tra, kiểm tra theo quy định của Pháp luật.
Quyền hạn
- Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh và quản lý người học; Quyết định thành lập bộ máy tổ chức, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trên cơ sở chiến lược và quy hoạch phát triển nhà trường.
- Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động; tổ chức cho nhà giáo thực tập sản xuất tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng nghề; tổ chức cho nhà giáo, viên chức, người lao động và người học tham gia các hoạt động xã hội.
- Được thành lập doanh nghiệp, được tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của Pháp luật; Được quyền phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lập kế hoạch đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học.
- Liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước theo quy định của Pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với việc làm và thị trường lao động; Được sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài đã được tổ chức giáo dục, đào tạo nước ngoài hoặc quốc tế có uy tín công nhận về chất lượng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo quy định của Pháp luật.
- Tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo đảm chất lượng đào tạo của nhà trường; lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp để đăng ký kiểm định.
- Được huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực theo đúng quy định của Pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo; hợp tác, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với việc làm, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội.
- Được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất; được hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao theo hợp đồng đặt hàng; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng theo quy định của Pháp luật.
Cơ cấu tổ chức
- Cơ cấu tổ chức của Trường gồm:
a) Hội đồng trường;
b) Ban Giám hiệu;
c) Các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ;
d) Các Khoa, Bộ môn
đ) Các Hội đồng tư vấn;
e) Các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ; tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (nếu có).
2. Tùy theo quy mô phát triển của Trường và yêu cầu thực tế, Hiệu trưởng quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định quyết định thành lập, giải thể các Phòng, Khoa và các đơn vị trực thuộc cho thích hợp, theo nguyên tắc đảm bảo bộ máy quản lý gọn nhẹ, có hiệu quả.